0918 110 113

BLOG

Vì sao giới trẻ không thể quản lý tiền bạc tốt như thế hệ trước?

Thế giới đang không ngừng chuyển mình, kéo theo đó là những thay đổi sâu rộng về kinh tế, xã hội và văn hoá, ảnh hưởng đến thói quen, cách nghĩ và lối sống giữa các thế hệ. Khả năng quản lý chi tiêu cũng là một trong số đó. Đã bao giờ bạn nhìn tài khoản của mình, thở dài, thầm ngưỡng mộ ông bà, cha mẹ vì khả năng quản lý tiền bạc, và rồi tự hỏi tại sao mình không thể tiết kiệm được như họ chưa?

Dưới đây là một số câu trả lời cho thắc mắc muôn thuở này.

  1. Bạn sinh ra trong thời đại của sự ổn định

“Ổn định” mà giới trẻ ngày nay đang được tận hưởng là ổn định về mặt chính trị, văn hoá, kinh tế và xã hội. Mặc dù những câu chuyện về khủng hoảng kinh tế, suy đồi đạo đức vẫn còn đầy rẫy trên các mặt báo, nhưng trên cơ bản, người trẻ không còn phải lo lắng đến tiếng bom đạn nổ ra bất chợt, hay nạn đói kéo dài từ ngày này qua tháng nọ nữa.

Điều này khác hoàn toàn với thế hệ Baby Boomer (1946 – 1963) và thế hệ X (1964-1976), những người đang ở độ tuổi ông bà, cha mẹ chúng ta. Họ sinh ra và lớn lên khi những di chứng của chiến tranh vẫn còn, đất nước vừa bước vào thời kỳ Đổi Mới với nền kinh tế chỉ đang từng bước hồi phục, một nền chính trị non trẻ, và bất đồng xã hội vẫn còn nhiều.

Cuộc sống ổn định cho phép người trẻ không quá đặt nặng vấn đề “phòng thân” cho tương lai.

Bối cảnh lịch sử khác nhau đã dẫn đến quan niệm sống và lối sống khác nhau. Cuộc sống khắc nghiệt trong và sau chiến tranh đã hình thành thói quen sống tiết kiệm cho các thế hệ trước, bởi vì họ không biết ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra, cần gì để ứng phó với những hoàn cảnh bất ngờ. Cuộc sống khó khăn càng tạo động lực để những thế hệ trước thêm khao khát mang lại cho con cháu mình một cuộc sống ổn định hơn. Chính vì thế, họ luôn cố gắng dành dụm, tính toán cho tương lai xa.

Trong khi sự ổn định của thời đại mới và cuộc sống ấm no cho phép người trẻ không quá đặt nặng vấn đề “phòng thân” cho tương lai. Những khoản tiền để dành thường được tạo ra với mục đích phục vụ những nhu cầu ngắn hạn như mua hàng, đầu tư, độc lập tài chính với gia đình, dẫn đến vòng đời của khoản tiết kiệm thường ngắn ngủi.

Chưa kể, khoản tiết kiệm của các thế hệ trước càng khiến người trẻ ỷ lại “điểm tựa tài chính vững chắc“. Dù còn đang đau đầu vì khoản đầu tư chưa hoàn vốn, vì trách nhiệm chăm sóc cha mẹ đang ở trước mắt, thì vẫn có rất nhiều bạn trẻ an tâm gác lại việc chi tiêu chắt bóp từng ngày, vì vẫn còn nhà để ở, còn bữa cơm để ăn, hoặc lý tưởng hơn là còn một ngân hàng không lấy lãi mang tên “người thân”.

  1. Tiền quan trọng nhưng chưa phải quan trọng nhất

Tiền lương bao nhiêu, cao hay thấp, có đủ chi trả cho cuộc sống hay không dĩ nhiên luôn là mối quan tâm của những người trẻ. Tuy nhiên, lợi ích vật chất không phải là ưu tiên hàng đầu của người trẻ, mà thay vào đó họ chú trọng hơn vào việc tận hưởng giá trị tinh thần.

Millennials là thế hệ đề cao việc tìm kiếm trải nghiệm, chẳng hạn như ăn uống bên ngoài, mua sắm quần áo, giải trí và du lịch — những hàng hoá và dịch vụ tức thời. Có một thuật ngữ tâm lý thường được dùng trong trường hợp này, đó là “thoả mãn tức thời” (instant gratification), chỉ cảm xúc thôi thúc và khuynh hướng bỏ qua lợi ích lâu dài để đạt được một lợi ích tức thời nhưng ít đáng giá hơn. Điều này lý giải vì sao những dạng “thoả mãn tức thời” của người thuộc thế hệ này thường xoay quanh việc chi tiêu cho các trải nghiệm ngắn hạn.

Millennials là thế hệ đề cao việc tìm kiếm trải nghiệm, chẳng hạn như ăn uống bên ngoài, mua sắm quần áo, giải trí và du lịch — những hàng hoá và dịch vụ tức thời.

Trong hành vi mua hàng, họ thường ưu tiên chất lượng hàng hoá và khả năng đáp ứng nhu cầu cá nhân hơn là giá cả. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả tháng lương vừa lãnh được để sắm ngay một đôi giày, một chiếc túi xách tiền triệu, điều mà các thế hệ trước ít ai nghĩ đến. Với thế hệ trẻ, giữ khư khư một khoản tiền sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nó không tạo ra những giá trị tốt hơn cho cuộc sống.

Tiền với người trẻ hiện đại là một vấn đề quan trọng nhưng chúng được tạo ra để nâng cao điều kiện sống tại thời điểm hiện tại, khác với các thế hệ trước luôn hướng đến việc tạo dựng tương lai. Rõ ràng, mục đích và động lực của việc kiếm tiền và tiêu tiền của hai thế hệ hoàn toàn khác nhau, dẫn đến hiệu quả tiết kiệm khác nhau.

  1. “Sức khoẻ tài chính” bị ảnh hưởng bởi những cơn “bão mạng”

Thời đại kết nối mang đến khả năng cập nhật thông tin mới theo từng giây và khiến thế hệ trẻ — nhóm người dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội — dễ bị tin tức chi phối hơn, đặc biệt là những ai chưa định hình rõ ràng cuộc sống của mình và vẫn ưa thích những trải nghiệm mới lạ.

Giới trẻ ngày này bị nhấn chìm trong những cơn “bão mạng” về các xu hướng tiêu dùng được lặp đi lặp lại liên tục trên trang thông tin online, được sự tán thưởng bởi thế hệ influencers, và được chia sẻ bởi những người quen biết — những yếu tố kích thích trải nghiệm ở người trẻ. Làm sao kháng cự lại nổi, khi mà những chiêu trò quảng cáo đó đã được các chuyên gia Marketing đúc kết qua biết bao nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng và tâm lý mua hàng, thậm chí còn được cập nhật hàng năm để bắt kịp với bất kỳ thay đổi nào của người tiêu dùng.

Giới trẻ ngày này bị nhấn chìm trong những cơn “bão mạng” về hàng loạt xu hướng tiêu dùng, gây tác động không nhỏ đến khả năng quản lý chi tiêu.

Vấn đề này chưa từng xảy ra với các thế hệ trước, vì khi cha mẹ chúng ta đang ở trong giai đoạn “lưng chừng cuộc sống”, mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin vẫn chưa mạnh mẽ như ngày nay. Còn ở thời điểm hiện tại, khi đang cùng chúng ta đối mặt với lượng thông tin quảng cáo quá tải thì sức đề kháng của họ trước những “mánh khoé” đó đã đủ mạnh rồi.

  1. Công bằng mà nói, giới trẻ luôn phải trả giá cao hơn

Việc người trẻ chi tiêu nhiều hơn những thế hệ trước cũng đến từ những nguyên nhân khách quan chứ chẳng phải hoàn toàn do thói quen tiêu dùng phung phí.

Trong đó, nguyên nhân khách quan nhất là vật giá leo thang. Đa số hàng hoá, dịch vụ ở thời điểm hiện tại đã lên giá hơn ngày xưa rất nhiều. Nếu như các 8x, 9x đời đầu có thể cầm 5.000 Đồng mua đồ ăn sáng hoặc đồ ăn vặt trong căn tin trường, thì 5.000 Đồng ngày nay đôi khi chỉ vừa đủ tiền gửi xe.

Thế hệ trẻ có xu hướng chuyển đến những thành phố lớn, nơi có điều kiện học tập tốt hơn và nhiều cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, đó cũng là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất. Trong khi đó, mức thu nhập vẫn đứng yên hoặc tăng rất ít, người trẻ phải gò ép chi tiêu, khiến việc tiết kiệm cũng khó hơn nhiều.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chi tiêu và khả năng tiết kiệm của thế hệ trẻ ngày nay, bao gồm những tác động kinh tế, xã hội, công nghệ lẫn tâm lý. Dĩ nhiên chúng ta không thể kiểm soát tầm ảnh hưởng của tất cả các yếu tố kể trên, nhưng không đồng nghĩa rằng chúng ta hoàn toàn ở thế bị động.

Chẳng hạn, nếu đã ý thức được những tác hại của hành vi thoả mãn tức thời, chúng ta có thể từng bước hạn chế nó. Chỉ cần bạn chịu khó cân nhắc thêm về tương lai của bản thân, chia nhỏ những mục tiêu lớn thành những mục tiêu dễ quản lý hơn, lên kế hoạch để hoàn thành từng bước ngắn hạn, thì việc chi tiêu hợp lý và thậm chí là tiết kiệm cho tương lai sẽ không còn quá khó khăn nữa.

Nguồn: Internet

Author

Contact Me on Zalo