0918 110 113

BLOG

Tín dụng đen thời 4.0

Với sự bùng nổ của các công ty công nghệ tài chính (fintech) và tín dụng tiêu dùng, các nền tảng cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng cũng nở rộ. Nhưng do không được quản lý, các ứng dụng (app) cho vay ngày càng biến tướng, trở thành công cụ cho vay nặng lãi thời 4.0.

Sập bẫy các app cho vay lãi suất cao, nếu người vay cố gắng trả được nợ sẽ được yên ổn.

Kéo theo đó là các kiểu đòi nợ khủng bố tinh thần như nhắn tin, gọi điện cả ngày lẫn đêm, đăng bài bôi nhọ, hoặc truy tìm tung tích người vay trên mạng xã hội.

“Bẫy” vay nhanh, vay dễ

Vay tiền online siêu tốc 24/7 chỉ cần CMND, giải ngân 15 phút, hạn mức duyệt vay 1-15 triệu đồng; không cần thẩm định, không cần gặp mặt, chỉ cần điền thông tin đăng ký tại ứng dụng cho vay… Đó là những thông tin về app cho vay tiền trực tuyến đang hiển thị nhan nhản trên các trang mạng hiện nay. Vay rất nhanh và rất dễ là đặc điểm của các app này. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại di động để tải app, đăng ký tài khoản, khai báo thông tin cá nhân, chọn khoản vay và kỳ hạn, là có thể tiếp cận được một khoản tiền gần như lập tức.

Trước đây, nếu có nhu cầu vay kiểu truyền thống khoản tiền nhỏ nhưng không thể vay được từ người thân và bạn bè, vay tín dụng đen được nhiều người không có nguồn thu nhập ổn định hoặc thu nhập quá thấp chọn lựa. Hay như nhiều người có nhu cầu vay tiền rất khó tiếp cận các ngân hàng (NH) hoặc công ty tài chính, do thủ tục chứng minh tài chính rườm rà, cũng tìm đến tín dụng đen.

Nay tín dụng đen truyền thống với việc cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, khiến nhiều người do dự khi tiếp cận. Vì thế, khi các app giới thiệu lãi suất chỉ 12-20%/năm, thậm chí vay lần đầu ưu đãi lãi suất 0%/năm, giải ngân trong vòng 10-20 phút, đã thu hút rất nhiều người có nhu cầu tài chính cấp bách tham gia, để rồi sau khi nhận tiền mới vỡ lẽ, lãi suất thấp nhưng các app chặt phí rất cao.

Chẳng hạn, vay 1,5 triệu đồng thời hạn 7 ngày trên app, người vay chỉ thực nhận 900.000 đồng, 600.000 đồng còn lại được tính vào phí tư vấn, phí dịch vụ và tiền lãi trả trước. Đến hạn, người vay phải trả đủ 1,5 triệu đồng, trả chậm ngày nào phải chịu lãi phạt 2-5%/ngày. Các app vay tiền trở thành hình thức tín dụng đen mới núp bóng dưới các nền tảng công nghệ.

Một số tính toán cho thấy, lãi suất vay qua các app bao gồm các loại phí thông thường lên đến 90%/năm, với các khoản vay lớn hơn, lãi suất có thể lên đến 150-200%/năm. Dù vậy, lượng người lao vào vay tiền qua app vẫn không ngừng tăng lên. Số liệu của một số sàn cho vay trực tuyến cho thấy mỗi ngày vẫn có hàng ngàn đơn vay mới gửi về ứng dụng này.

Đòi nợ kiểu 4.0

Với khoảng 96 triệu dân, trong đó có đến 60% nằm trong độ tuổi lao động, Việt Nam được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng phát triển tín dụng tiêu dùng. Nhưng thống kê của NH Thế giới (WB) công bố năm 2018, khoảng 70% người dân Việt Nam khó hoặc không tiếp cận được các dịch vụ tài chính chính thức, NH cũng chưa có hoặc gặp khó khăn trong trong việc hỗ trợ các dịch vụ tài chính vi mô.

Cung cầu vốn trên thị trường chính thức khó gặp nhau, là mảnh đất màu mỡ để tín dụng đen phát triển và càng nở rộ hơn thông qua công nghệ. Nếu 1 năm trước, gõ cụm từ “vay tiền online” chỉ tìm được vài chục app cho vay, nay gõ cụm từ này sẽ thấy hàng trăm app cho vay đang vận hành.

Khi vận hành cho vay nặng lãi kiểu 4.0, hình thức đòi nợ của các app cũng theo cách 4.0. Sập bẫy các app cho vay lãi suất cao, nếu người vay cố gắng trả được nợ sẽ được yên ổn. Ngược lại, không trả được nợ sẽ đối mặt với áp lực đòi nợ theo dạng khủng bố tinh thần. Các nhân viên thu hồi nợ sẽ gọi điện thoại, nhắn tin hăm dọa với những lời nói nặng nề, thô lỗ suốt ngày đêm. Nếu vẫn không trả xong nợ, nhân viên thu hồi nợ sẽ liên hệ với người thân, họ hàng, thậm chí công ty của người vay để tiếp tục “chửi đòi nợ”. Lực lượng đòi nợ này được gọi là “thánh chửi”.

Từ điều tra của Công an TPHCM hồi tháng 4, đường dây cho vay nặng lãi qua app do người Trung Quốc cầm đầu, có bộ phận thu hồi nợ đến 30 nhân viên người Việt Nam thực hiện vai trò “thánh chửi” để đòi nợ. Để được nhận vào làm bộ phận này, những người ứng tuyển không cần trình độ học vấn, chỉ cần chửi hay, mắng giỏi. Các nhân viên này nhắn tin, gọi điện với nhiều dạng từ đay nghiến đến mắng chửi nặng nề, gửi thông tin nợ nần, ghép hình ảnh người vay nợ vào những nội dung phản cảm gửi đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp của con nợ, nhằm làm mất uy tín và danh dự để họ không chịu nổi áp lực phải xoay tiền trả.

Nếu các bước trên vẫn chưa thu được nợ, nhân viên thu hồi nợ sẽ đăng bài về nội dung khoản nợ kèm hình ảnh của người vay, các thông tin cá nhân như CMND/thẻ căn cước, số điện thoại, thậm chí thông tin về người thân, gia đình của người vay trên các fanpage có lượng truy cập lớn để “cả nước đều biết”. Họ còn lập ra các fanpage truy tìm khách nợ theo khu vực, đăng bài bôi nhọ danh dự người vay. Nếu người vay trốn nợ, họ kêu gọi cộng đồng mạng trên các fanpage hỗ trợ tìm kiếm. Không hành xử kiểu xã hội đen như bắt người trái phép hay hành hung con nợ, nhưng dùng hình thức đòi nợ 4.0, các ứng dụng cho vay đã tra tấn tinh thần không ít người sa vào bẫy vay trực tuyến thời gian qua.

Thực tế, các ứng dụng cho vay nặng lãi đã được các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo. Song đa số người vay tiền không quan tâm đến tính pháp lý của các app cho vay trực tuyến do thấy vay quá dễ. Nhiều app giới thiệu rõ các mức phí bên cạnh lãi suất, nhưng chỉ cần thỏa mãn nhu cầu tài chính cấp bách, họ sẵn sàng chấp nhận số tiền thấp hơn khoản vay đăng ký thực tế.

Bên cạnh đó là lỗ hổng quản lý của các cơ quan nhà nước. Cho vay trực tuyến là sự phát triển tất yếu khi fintech phát triển. Nhưng nhiều năm nay, do không được quản lý, tình trạng biến tướng ngày càng phức tạp.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, việc giải quyết nạn tín dụng đen trực tuyến thông qua các đợt triệt phá của lực lượng công an vẫn không xử lý được tận gốc. Vì vậy, rất cần sớm có khung pháp lý thí điểm về dịch vụ cho vay ngang hàng qua app.

Nguồn: Internet

Author

Contact Me on Zalo